Vườn trái cây Tuấn Tường, nằm sâu trong kênh rạch Phong Điền, mang đến không gian yên bình, trong lành và đậm chất miền Tây, là điểm đến lý tưởng để trải nghiệm hương vị miệt vườn và bánh dân gian đặc trưng.
Chốn bình yên miệt vườn miền Tây
Không khó để tìm đến những vườn trái cây trên mảnh đất Phong Điền màu mỡ. Một trong số đó là Vườn trái cây Tuấn Tường nằm sâu trong kênh rạch. Đường lộ đến đây khá hẹp nên xe ô tô không thể đi được, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc tàu. Chính vì không có sự xô bồ nên vườn trái cây Tuấn Tường khá yên bình, trong lành và còn nguyên nét mộc mạc. Di chuyển từ trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 12km là tới được vườn.
Vườn Tuấn Tường khá rộng. Du khách dạo bước trên con đường mòn rợp bóng mát của cây trái miệt vườn. Đặc biệt vào mùa dâu Hạ Châu, những chùm dâu vàng như chuỗi ngọc đong đưa hai bên lối đi dưới ánh nắng rực rỡ khiến du khách không khỏi trầm trồ.
Sau vườn dâu Hạ Châu là vườn vú sữa. Vú sữa cho trái sai nhất vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4. Vườn vú sữa trĩu quả bên bờ ao trong mát, quả căng bóng to tròn gây ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Tại đây, khách có thể tự tay hái vú sữa và thưởng thức đến khi nào no bụng mới thôi.
Đến với vườn trái cây Tuấn Tường, không thể không nhắc đến chủ nhân của nơi đây, đó là nghệ nhân Trương Thị Hoa Lài nổi tiếng xứ Phong Điền với nghề làm bánh dân gian, đặc biệt là bánh bao chỉ. Cô Lài nói: "Tôi lớn lên từ miệt vườn và đã được bà ngoại và má dạy làm bánh từ nhỏ. Bây giờ, tôi làm được tới vài mươi loại bánh dân gian. Nhưng chiếc bánh mà tôi tự hào nhất vẫn là bánh bao chỉ. Tôi đã đoạt huy chương vàng tại Hội thi Bánh dân gian Nam bộ từ chiếc bánh này. Hẳn nhiều người chưa biết bánh bao chỉ. Đây vốn là bánh của người Hoa có tên gọi “mà chỉ”, có nghĩa là hạt mè (vừng), gọi trại thành bao chỉ. Bánh làm từ bột nếp với bốn loại nhân: mè đen, dừa, đậu xanh, đậu phộng. Món bánh này truyền đến tôi là đời thứ tư, tôi vẫn cố gắng giữ đúng hương vị như thuở trước. Thay vì dáng tròn trịa, đầu chẻ khía như bánh bao thường thấy thì chiếc bánh bao chỉ tương tự hình dáng hạt mè nhưng lớn hơn nhiều. Cũng bởi hình thù này nên nó khó nặn hơn so với loại bánh tròn. Để có cái bánh ngon, công đoạn làm da bánh quan trọng nhất. Phải chọn nếp ngon, dẻo, ngâm một đêm và xay bằng cối đá, bột nhào phải đều tay. Nhân đậu xanh rút vỏ, phải hấp chín còn nguyên hạt, không quá nhão. Bánh sau khi tạo hình sẽ được áo lớp dừa sợi non bên ngoài. Khi ăn thì rắc thêm muối mè, đậu phộng. Nghĩ về chuyện giữ được chiếc bánh gia truyền, tôi vui trong lòng lắm!"
Bên cạnh việc tham quan, hái và thưởng thức trái cây tại vườn thì du khách cũng có thể dùng bữa trưa ở đây và thưởng thức những món ăn dân dã Nam Bộ được nấu dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Hoa Lài (hay còn gọi thân mật là Thím Ba). Du khách phải liên hệ và đặt món trước, vì thím Ba sẽ đi chợ từ sớm để mua những nguyên liệu tươi ngon nhất. Thưởng thức những món như lẩu mắm, cá lóc nướng, bánh xèo, cá tai tượng chiên xù... giữa không gian xanh mát của vườn cây trái khiến du khách càng thêm hứng thú.
Ngoài ra, du khách còn có thể xem và thử làm bánh dân gian tại nhà thím Ba với những loại bánh như bánh phu thê, bánh quai vạc, bánh con nhím nhân dừa và khóm... rất công phu và thơm ngon.
Ắt hẳn sau một tuần làm việc và học tập mệt mỏi, một vườn du lịch không xô bồ ồn ào và xanh mát là một điểm đến lý tưởng khó có thể bỏ qua.
Ngọc Thiên Thanh/canthotourism